Chi tiết tin - Xã Triệu Thuận - Triệu Phong
- Đang truy cập 2
- Hôm nay 330
- Tổng truy cập 1.704.339
Triệu Thuận tạo môi trường lành mạnh cho giáo dục
21:6, Chủ Nhật, 10-7-2022
Triệu Thuận là một xã thuần nông, bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên với truyền thống thi đua yêu nước trên quê hương của đồng chí Phó thủ tướng Trần Hữu Dực, Triệu Thuận đã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015, là một trong bốn xã của huyện Triệu Phong về đích xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch của tỉnh Quảng Trị đề ra. Trong thành quả đó, có vai trò của giáo dục - một tiêu chí quan trọng để đánh giá chuẩn NTM. Và hơn thế, giáo dục không chỉ là vấn đề bồi dưỡng kiến thức, mà nó còn giúp nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên học sinh để có lối sống đẹp hơn, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực khác của đời sống. Từ đó, việc giáo dục không gói gọn trong trách nhiệm của nhà trường mà là cả cộng động.
Cả xã cùng lo chuyện học
Trước hết, hệ thống chính trị xã Triệu Thuận đã "vào cuộc" tích cực bằng việc đưa các chỉ tiêu giáo dục vào trong các nghị quyết của Đảng ủy, các kế hoạch hằng năm. Lãnh đạo xã là những người trực tiếp chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trong công tác giáo dục, khuyến học khuyến tài. Đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội khuyến học xã, Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng giáo dục.
Là một trong những xã sớm triển khai công tác khuyến học, đến nay Triệu Thuận có 25 cộng đồng chăm lo việc học cho con em trong địa bàn. Hình thức tổ chức cộng đồng khuyến học đa dạng, phân cấp và đan xen nhau; gồm Hội Khuyến học của xã, các chi hội của khu dân cư, các ban của phụ nữ, ban của tôn giáo, ban của các dòng họ... Các tổ chức khuyến học trong xã hoạt động thường xuyên, vận động quỹ tích cực từ các nhà hảo tâm. Hằng năm, vào ngày mùng 4 tết nguyên đán, Hội Khuyến học xã tổ chức trao thưởng cho sinh viên, học sinh có kết quả học tập tốt và đạt giải cao trong các kỳ thi.
Những năm trở lại đây học sinh của Triệu Thuận đạt được thành tích khá cao trong các cuộc thi, chất lượng giải năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2017 - 2018 này có 11 giải cấp huyện, 8 giải cấp tỉnh của học sinh THCS. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết có được kết quả này một phần là nhờ lãnh đạo xã rất quan tâm đến việc giáo dục mũi nhọn, có những cơ chế khuyến khích như tổ chức buổi gặp mặt giáo viên bồi dưỡng và học sinh dự thi học sinh giỏi các cấp; đặt ra mức khen thưởng cho cả học sinh lẫn giáo viên bồi dưỡng. Giải nhất cấp huyện được thưởng 500.000 đồng, giải nhì 400.000 đồng, giải ba 300.000 đồng; giáo viên bồi dưỡng cũng được thưởng tương ứng. Đối với giải cấp tỉnh, mức thưởng gấp đôi. Với cách làm này, cả thầy lẫn trò sẽ cố gắng hơn để có được thành tích cao.
Về giáo dục đại trà, xã chỉ đạo 3 trường học trên địa bàn (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) tiếp tục giữ chuẩn chất lượng đã đạt được; quán triệt các trường phải báo cáo ngay tình hình biến động số lượng học tập. "Vừa rồi có 3 trường hợp bỏ học, xã nắm ngay và vận động các em đi học trở lại. Trong đó có một trường hợp bỏ vào tận miền Nam, lãnh đạo xã trực tiếp gọi điện cho em học sinh đó trở về để đi học, nhắn nhủ có gì khó khăn xã sẽ hỗ trợ hết sức" - anh Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã tâm sự - "Tôi từng là giáo viên, rồi làm công tác đoàn nên khi được luân chuyển về làm Chủ tịch xã thì rất quan tâm đến giới trẻ và việc học hành". Chính đồng chí Chủ tịch cùng cán bộ xã đi chở các em từ quán game về, khuyên nhủ phải lo học hành, quyết tâm không để việc bỏ học trở thành một hiệu ứng xấu.
Lãnh đạo xã thường xuyên phối hợp với ban giám hiệu các trường theo dõi học sinh, đặc biệt trong trường trung học cơ sở. Xã đã cùng với nhà trường rà soát các học sinh chậm tiến hoặc có biểu hiện sa vào lối sống lệch lạc để kịp thời uốn nắn, động viên.
Năm 2017, xã tổ chức buổi gặp mặt 27 học sinh cần phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi. Việc giáo dục học sinh chưa ngoan ngày càng tiến bộ có ý nghĩa góp phần làm hạn chế những khuyết điểm của học sinh, khắc phục những tồn tại ở học đường để môi trường giáo dục luôn phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các em được rèn luyện tốt nhất.
Xã cũng xác định đây là trách nhiệm chung, cần sự vào cuộc đồng bộ. Các ban, ngành, đoàn thể gặp từng học sinh, đến từng nhà để tìm hiểu rõ nguyên nhân cụ thể của từng trường hợp, từ đó có biện pháp sát đúng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ bỏ học của học sinh. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý thật tốt các điểm vui chơi không lành mạnh. Cùng chung tay với nhà trường xây dựng cổng trường bình yên, giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho học sinh để các em không bị thiệt thòi.
Tạo môi trường lành mạnh cho giáo dục
Quan điểm của Đảng về xây dựng xã hội học tập có từ rất sớm, ngay trong Nghị quyết TW IV Khoá VII đã nêu: “Thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời đó là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân.” Nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương này, xã Triệu Thuận không những làm công tác khuyến học mà hướng đến việc tạo dựng môi trường lành mạnh cho giáo dục.
Một môi trường tốt cho giáo dục trước hết phải đảm bảo an ninh xã hội, sau đó quan tâm đến chăm lo nhân cách, lối sống cho người dân, mà đối tượng cần nhất chính là thanh thiếu niên. Là một xã nằm gần trung tâm của tỉnh, lại thông lộ với con đường 9 xuyên Á, xã Triệu Thuận bị sự chi phối trực tiếp và nhanh nhất những mặt trái của hội nhập. Một số thanh thiếu niên sớm tập nhiễm lối sống hưởng thụ, sử dụng chất gây nghiện, trò chơi trực tuyến, dẫn đến bỏ bê việc học hành.
Xác định thanh thiếu niên là nòng cốt của xã hội, nên lãnh đạo xã đã tìm cách ngăn chặn các tệ nạn, không để thói xấu tràn lan. Đầu năm 2018, xã Triệu Thuận đã tổ chức cuộc gặp mặt thanh thiếu niên cần giúp đỡ, giáo dục tiến bộ. Do chưa nhận thức đúng đắn nên các em này đã bị cám dỗ của những chất kích thích, dùng hồng phiến, ma túy, chơi game, lêu lổng, đánh lộn… Cuộc gặp mặt trong không khí cởi mở nhẹ nhàng, lãnh đạo dùng cách trò chuyện tâm tình chứ không áp chế luật lệ hay răn đe. Các đồng chí trong Ban chỉ đạo 138 và 1523 đã cùng nhau trao đổi với các thanh, thiếu niên và người thân, gia đình để thăm hỏi và chia sẻ cảm thông, đồng thời đề nghị các thanh thiếu niên hứa quyết tâm cùng tiến bộ trong mọi hoàn cảnh. Từ cuộc gặp mặt đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã ổn định, không có vấn đề nổi cộm nào xảy ra, các em trong độ tuổi đi học thì tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, xác định việc cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến là việc làm khó và cần một quá trình lâu dài, vì vậy Ban Thường vụ Đảng uỷ xã luôn chỉ đạo các ngành đưa công tác cảm hóa thành việc làm thường xuyên với quyết tâm và vào cuộc mạnh mẽ, gắn với sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến. Sáng tạo, mềm dẻo, khéo léo trong cách tiếp cận, cảm hóa từng đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến để hoạt động cảm hóa ngày càng có hiệu quả và thực chất, giúp các em nhận thức được hành vi của mình, thay đổi lối sống theo hướng tốt đẹp.
Xã thường xuyên tổ chức các hội thi văn nghệ, thể dục thể thao, các giải bóng chuyền bóng đá vào đầu xuân và các ngày lễ kỷ niệm. Hiện tất cả 8/8 thôn đều có sân tập thể dục và hoạt động tập luyện sôi nổi. Sắp tới xã sẽ tặng lưới và bóng cho các thôn. Sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao không những rèn luyện sức khỏe mà còn giúp thanh thiếu niên có lối sống tích cực hơn.
Giáo dục thanh thiếu niên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Một khi thanh thiếu niên có ý chí thì việc phổ cập giáo dục được giữ vững, chất lượng giáo dục nâng cao, lao động sản xuất tích cực, an ninh trật tự đảm bảo hơn.
Về kế hoạch trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết sẽ xây dựng riêng một nghị quyết chuyên đề về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội; qua đó gắn trách nhiệm hơn nữa cho các tổ chức đoàn thể, công an, trường học… Ban hành các chỉ thị, kế hoạch triển khai từng năm nhiệm vụ của giáo dục, yêu cầu các trường cam kết giữ chất lượng dạy học. Là địa bàn nông thôn, đời sống của nhiều gia đình còn khó khăn không lo được cho các em đi học, nên sắp tới xã cũng sẽ tổ chức nhận đỡ đầu, chăm sóc các học sinh khó khăn, từ nguồn đóng góp của cán bộ công chức và vận động các tổ chức doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng là tất cả phải vào cuộc tích cực hơn nữa để lo cho việc học.
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: "Ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình. (Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng, Báo Nhân dân, ngày 14/3/1960. Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, tr.105). Và chữ "học tập" của Bác cũng không chỉ gói gọn trong việc học chữ mà rộng hơn là học văn hóa, học làm người. Tiếp thu tinh thần ấy, hệ thống chính trị và nhân dân xã Triệu Thuận đã chung tay cho sự học để xây dựng quê hương.
Tác giả bài viết: Hoàng Công Danh
Nguồn tin: Cửa Việt: Số 284- 5.2018
ĐC: xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
ĐT: 0233.3707129 - Email: xatrieuthuan@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ