Chi tiết tin - Xã Triệu Thuận - Triệu Phong

Menu được chọn không tồn tại.
Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 2
  • Hôm nay 41
  • Tổng truy cập 1.661.036

NHỚ TÔ PHỞ ĐẬM MÙI QUÊ

21:4, Chủ Nhật, 10-7-2022

Là một người con xứ Triệu (Quảng Trị) ở xa quê lâu năm, chuyện đôi lúc thèm một bát phở “đúng điệu” quê nhà là điều dễ hiểu. Chị Mai Lan Anh người con Triệu Thuận hiện nay đang công tác tại Ban Dân vận tỉnh ủy Đắk Lăk cũng có nhiều nỗi niềm nhớ về quê hương.

NHỚ TÔ PHỞ ĐẬM MÙI QUÊ

Tình cờ, hôm nay đọc Báo Tuổi trẻ thấy có cuộc thi "Ký ức về phở", tự nhiên nhớ thật nhiều tiệm phở của mợ Liệu nằm sát Khách sạn 57 - một khách sạn lớn của thành phố Biên Hòa. Nói là tiệm phở chứ thực ra đó là tiệm may âu phục của cậu, phía ngoài khoảnh hiên rộng lợp mái che để bán phở. Mặc dù hơn 5 giờ tiệm mở cửa, nhưng đêm nào cũng vậy, mợ đã thức dậy từ hai giờ sáng để nấu nước xương bò hầm. Mợ nói cái hồn của phở là ở nồi nước xương này, vì thế một tay mợ chọn xương, đun củi, điều chỉnh ngọn lửa và nêm nếm gia vị theo bí quyết gia truyền. Gần 5 giờ, tôi thức dậy, đã thấy rau xà lách, rau ngổ, rau quế, tương đỏ, tương đen, chanh tỏi ớt, đũa muỗng xếp gọn gàng trên từng chiếc bàn nhỏ. Nồi nước xương hầm được bắc ở khoảng đất rộng phía sau nhà dậy mùi thảo quả, đinh hương, đại hồi cứ thoang thoảng theo gió xa. Trời sáng dần. Một người. Hai người. Rồi bốn năm người đến tiệm phở. Chẳng mấy chốc mà những chiếc bàn kín hết chỗ. Tôi thoáng thấy những tà áo dài trắng, thoáng thấy những bộ đồng phục lấm dầu mỡ. Khách ăn phở của mợ chủ yếu là học sinh và công nhân làm ca của các khu chế xuất, khu công nghiệp. Sau gần mười giờ, phở gần hết, và khách chỉ đến lai rai. Trong những người khách đến muộn, có vài người tôi đã quen mặt. Hễ có những người khách này tới, mợ bưng phở lại bàn rồi ngồi cùng tiếp chuyện. Giọng đặc sệt Quảng Trị của khách và chủ cứ kể mãi chuyện làng, chuyện xã, chuyện con trâu, cái cày, lu nước...tưởng chừng như kéo dài vô tận. Mãi nhiều năm sau này, khi đã rời xa thành phố Biên Hòa, khi đã có tuổi, nỗi nhớ quê hương càng ngày càng đằm sâu da diết, tôi mới ngộ ra rằng, những người khách đến muộn ngày đó quá "khát" quê hương, nên muốn tìm một chút Quảng Trị giữa chốn thị thành không phải qua từng tô phở mà là qua những câu chuyện không đầu không cuối về cố xứ.

Cách đây 15 năm, tôi được cơ quan cử đi dự một Hội nghị do UNICEF tổ chức tại thành phố Biên Hòa. Đặt chân đến Đồng Nai, lòng rưng rưng biết bao cảm xúc khi được trở lại nơi mình đã từng có những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Nhưng thật buồn vì những ngày đã qua không bao giờ còn quay trở lại. Tiệm phở bé nhỏ với bức tường ám khói vì những đêm hầm nước xương bò đã được xây thành một phòng bida máy lạnh, cửa kính khép chặt. Mợ cũng đã già, mái tóc xanh ngày nào giờ đã phai màu. Khách sạn 57 cũng đã đổi tên thành Khách sạn Đồng Nai. Tôi đứng trên tầng 7 nhìn xuống, vẫn những ánh đèn màu nhấp nháy như sao sa, vẫn những dòng xe cộ ngược xuôi trên đại lộ đông người, nhưng biết tìm nơi đâu giữa chốn phồn hoa những tiếng nói miền Trung trong tiệm phở của mợ ngày nào, biết tìm nơi đâu mùi thơm của hoa hồi, đinh lăng và thảo quả trong nồi nước xương hầm thoang thoảng trong gió xa. Dù ở nơi nào cũng có phở, cũng có gần như cùng một mùi nước xương bò hầm, nhưng tô phở của mợ còn có mùi quê qua giọng nói nặng âm Quảng Trị để suốt một đời, đối với tôi, đó là tô phở của nỗi nhớ khôn nguôi./.

 

Tác giả bài viết: Mai Lan Anh

Các tin khác